Truyền Thông Việt Nam nói về Đại Học Y Tân Tạo

Đối thoại: Y đức trong đào tạo ngành Y

 Link chương trình phát sóng ngày 07.01 - 2014 trong bản tin sáng HTV9

Giáo sư Bùi Duy Tâm:

        "Cần phải đào tạo  những Bác sĩ giàu lòng trắc ẩn và yêu thương"

 

Bài viết của PV Lê Loan

 

Hôm qua, đi thăm Khoa Y trường Đại học Tân Tạo cùng GS Bùi Duy Tâm, tôi được thấy những tâm huyết và tình yêu thương của người thầy đáng kính này, hơn 80 tuổi, ông rời gia đình, xa con cháu để hàng tháng lặn lội từ Mỹ về Việt Nam từng bước từng bước xây dựng một ngôi trường đào tạo các thế hệ bác sĩ tương lai không chỉ giỏi về chuyên môn và tiếp thu những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới, mà điều quan trọng hơn cả đối với thầy là muốn tạo nên những Bác sĩ giàu lòng trắc ẩn và tình yêu thương bệnh nhân.

Bằng đôi chân khập khiễng vì bị gãy sau lần đi Tây Tạng và thăm Everest, ông leo lên leo xuống các tầng lầu của trường vì thang máy chưa hoàn thiện, rồi theo chân ông đi hết từ tòa nhà này đến tòa nhà khác, ông đến thư viện chụp hình các em trong giờ đọc sách, ông về kí túc xá đến từng phòng thăm hỏi và chụp hình với các em, ông làm nhạc trưởng cho các em cất cao tiếng hát của sinh viên ngành y, ông vào khu bếp để hỏi han các chị bếp, bác quản lý kí túc và chụp hình với họ, tôi chỉ đi theo thôi mà cũng thấy mệt vì cả ngày dài làm việc của thầy với tiết trời nắng nóng. Vậy mà đến hơn 1h chiều ông mới ăn nửa chén cơm để chiều tiếp tục công việc, ông bảo ăn ít để tiếp tục công việc cho nhẹ nhàng, những lúc đau chân quá thấy thầy bước đi thật khó khăn, nhưng đỡ đau là thầy lại đi rất nhanh nhẹn. Tôi hỏi thầy có mệt không, thầy bảo "Nếu có thời gian thì sẽ thấy mệt". Ông bảo ở Mỹ, ban ngày ông làm công việc bên đó, còn ban đêm, ông làm việc cho trường Tân Tạo, tôi mới vỡ ra tại sao có những lúc là 2,3,4 giờ sáng ở Mỹ, thầy vẫn gọi điện trao đổi với tôi, tôi thắc mắc không biết thầy ngủ lúc nào. Và còn một điều nữa, thầy lặn lội vất vả về Việt Nam, rồi xuống Long An, đi khắp các bệnh viện, gặp gỡ các Bác sĩ, GS, PGS đầu ngành để tìm thầy giỏi, tìm người tài và tìm nơi thực tập cho từng em sinh viên của trường, thầy lo từ việc lớn đến việc nhỏ, dù ở Mỹ, thầy vẫn biết hôm nay sinh viên mình học môn gì, giờ nào, giờ nào trống tiết để thầy mời người về bổ sung vào. Vậy nhưng thầy không nhận một đồng lương nào cả vì đối với thầy, có được một ngôi trường tốt như thế, các em có môi trường học tập tốt như thế, thầy được góp sức làm nên nó, làm nên một thế hệ đầy hứa hẹn, như vậy làm sao thầy còn nhận lương được nữa, như vậy là đã khiến thầy vui lắm rồi...

 

Thực sự, tôi vô cùng kính trọng và nể phục thầy cũng như rất mong muốn được nghe nhiều hơn về những câu chuyện của thầy, những trải nghiệm, những dâu bể và thăng trầm thầy đã trải qua, đã vượt qua để là Bùi Duy Tâm của ngày hôm nay, một Bùi Duy Tâm ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng tôi những khi được gặp, được trò chuyện, được học với thầy. Tôi rất mong được kể lại những mẩu chuyện có hình ảnh của thầy bằng tất cả niềm say mê và yêu kính cũng như tâm huyết của tôi…

 

Lê Loan

Đại học Y Tân Tạo qua chương trình Kết Nối Cộng Đồng

Đại học Y khoa Tân Tạo – Mô hình lý tưởng về Giáo dục phi lợi nhuận 

Thực hiện: Lê Loan

                                                                                                                     Nguồn: Tạp chí Men Life

 

Xây dựng và đưa vào hoạt động thành công một trường đại học tư thục phi lợi nhuận đúng nghĩa ở Việt Nam là một công việc vô cùng khó khăn, vì nó đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và những người thực sự tâm huyết với giáo dục bất vụ lợi. Biết như vậy, nên mọi người sẽ không khỏi ngạc nhiên và nể phục những con người nặng lòng với quê hương, với việc giáo dục thế hệ tương lai, với nền y học nước nhà để từng bước xây dựng nên ngôi trường y khoa Tân Tạo – một mô hình giáo dục hiện đại, hoàn toàn phi lợi nhuận, quy tụ đội ngũ những người thầy là những GS, TS, y bác sỹ hàng đầu của Việt Nam và từ các nước có nền y học tiên tiến trở về… 

 Thấu hiểu và đồng tâm với ý nguyện rằng: “Chính nền giáo dục bất vụ lợi mà các em được thụ hưởng sẽ tạo nên một thế hệ bác sĩ mới sẵn sàng hết lòng với bệnh nhân để đáp trả những gì đã được nhận từ xã hội”, GS.TS.BS Bùi Duy Tâm đã hăng hái trở về Việt Nam để đặt những viên gạch đầu tiên làm nền móng cho ngôi truờng có lý tưởng giáo dục đáng kỳ vọng này. Dù đã ở tuổi 80, mắt đã mờ hơn, gối đã mỏi, chân đã đau nhưng ông không quản ngại đi về giữa hai đầu Việt – Mỹ để thực hiện lý tưởng của mình – kiến thiết một ngôi trường Y mẫu mực, xây dựng đội ngũ giảng viên là những GS, TS, BS hàng đầu của Việt Nam và thế giới để đào tạo các nhà nghiên cứu, các BS tương lai trọn tài vẹn đức, có lòng đam mê với sự nghiệp nghiên cứu và hết lòng cứu chữa người bệnh.Không dừng lại ở đó, GS Bùi Duy Tâm không ngừng lặn lội đi khắp các nước, đến các trường Y Khoa ở Mỹ và các nước châu Âu, Nhật Bản, Australia… để mời cho kì đuợc những GS, TS giỏi trở về Việt Nam giảng dạy cho trường y khoa Tân Tạo. Cũng vì cảm phục ý nguyện của người thầy già đã không quản ngại vất vả, hết lòng với sự nghiệp đào tạo người thầy thuốc đúng nghĩa mà không màng đến thù lao nên rất nhiều TS.BS giỏi đã từ bỏ sự nghiệp ổn định tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada… để trở về nghiên cứu và giảng dạy tại trường Y Khoa Tân Tạo. Đó là vợ chồng GS.TS Bùi Hồng Thủy và GS.TS Nguyễn Văn Thuận đã trở về sau hơn 13 năm nghiên cứu và giảng dạy về Công nghệ sinh học tại các trường Đại học nổi tiếng ở Nhật Bản và Hàn Quốc, và còn rất nhiều TS.BS khác sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu tại các nước tiên tiến cũng nhiệt thành về với Khoa y Tân Tạo như TS Đỗ Thu Hằng (Úc), TS Trần Duy Hiến ( Hoa Kỳ), TS Trần viết Nhân Hào ( Pháp), TS Nguyễn Quang Hưng ( Nhật), TS Nguyễn Đức Thái (Hoa Kỳ)...bởi họ đều có chung một niềm tin về một thế hệ bác sĩ mới chấn hưng cho nền y khoa nước nhà và khẳng định được lòng tin y đức với nhân dân. Bên cạnh đó, Đại Học Y khoa Tân Tạo còn liên kết với Đại Học Y Dược (ĐHYD) TP.HCM và các bệnh viên lớn như Chợ Rẫy, Bình Dân, Hùng Vương, Tâm Đức, Hoàn Mỹ...trong việc giảng dạy và thực tập lâm sàng với sự tham gia của các GS.TS.BS đầu ngành trong nước như GS.TS Lê Văn Cường (Chủ nhiệm bộ môn Giải Phẫu tại ĐHYD TPHCM), TS.BS. Lê Xuân Trường (Chủ Nhiệm bô môn Hóa Sinh tại ĐHYD TPHCM), PGS.TS. Đặng Văn Hoài (Chủ Nhiệm bô môn Hóa Đại Cương tại ĐHYD TPHCM), GS.TS.Phạm Nguyễn Vinh (Giám Đốc Chuyên môn BV Tâm Đức).Và đặc biệt, sau 4 năm học tại VN, những sinh viên Y xuất sắc nhất của Tân Tạo sẽ được gửi đi thực tập lâm sàng tại các bệnh viện ở Mỹ dưới sự hướng dẫn của GS Anthony Cosentino thuộc Đại Học Y California và hiện đang đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng Khoa Y Tân Tạo.

Thế nhưng, như vậy với GS Tâm vẫn là chưa đủ, điều tiên quyết nhất, ông muốn học trò của mình thấm nhuần y đạo của người thầy thuốc, như lời của Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vẫn luôn hiển hiện trong tâm thức của ông: “Suy nghĩ thật sâu xa tôi hiểu rằng thầy thuốc là bảo vệ sinh mạng cho con người, sống chết một tay mình nắm, hoạ phúc một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng”. Bởi vậy, trong suốt cuộc đời phục vụ y học, GS Bùi Duy Tâm luôn tự nhắc nhở mình cũng như các thế hệ học trò của ông phải “tiến đức, tu nghiệp”, và để phát huy tinh thần nhân đạo của danh y Hải Thượng Lãn Ông, của Nguyễn Đình Chiểu, của Tuệ Tĩnh, của Hypocrates…ông đã tự mình soạn lời thề cho sinh viên ngành y, trong đó có những tuyên thệ giá trị về việc cứu chữa và truyền nghề cho tất cả những ai muốn trở thành người thầy thuốc với tâm nguyện phục vụ nhân dân. Mặt khác, GS Tâm đã cho tạc tượng Danh y Lê Hữu Trác và xây dựng khu vườn tưởng niệm ông để thầy và trò Khoa y Tân Tạo cùng tưởng nhớ một người thầy thuốc mẫu mực qua đó soi xét và ngày một hoàn thiện tài, tâm, đức của mình.

 Dù trường chỉ mới tuyển sinh khoá đầu tiên và đang chuẩn bị cho khóa thứ hai, nhưng với sự tuyển chọn kỹ lưỡng cả ở đầu vào và những tiêu chuẩn đào tạo khắt khe với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh theo mô hình nước ngoài, cộng với đội ngũ giảng viên là những người thầy hết lòng truyền dạy, người lãnh đạo nặng lòng với sự nghiệp giáo dục bất vụ lợi, các em sinh viên đam mê học hành và biết lắng nghe từng lời truyền dạy cả về kiến thức và y đạo, chúng ta có thể tin vào một tương lai đầy hứa hẹn của ngành Y Việt Nam.

 

Box:


TS.BS.Trần Minh Thông, Trưởng Khoa Giải phẫu Bệnh Lý Bệnh viện Chợ Rẫy cũng chia sẻ:“Tôi từng là học trò của thầy Tâm, nay hiểu được tâm nguyện của thầy, tôi rất xúc động với tấm lòng của một người xa xứ dành cho quê hương đất nước, tôi càng cảm phục tâm huyết của thầy với ngành y Việt Nam, nên tôi sẵn lòng làm tất cả những gì có thể trong khả năng của mình để giúp đỡ các em sinh viên Khoa Y Tân Tạo, những Bác Sĩ tương lai đáng kì vọng”.